Email Bản in

25 mẹo vặt thực sự tốt cho sức khoẻ

Trước và trong kỳ nghỉ hè, bạn hãy khám phá tất cả những cái lợi từ những hành vi nho nhỏ không đâu, xảy ra hàng ngày, nhưng tăng cường thể chất và tinh thần. Quan trọng nhất là biết tận dụng những lời khuyên của chuyên gia.

1 - Đi chân trần

Đây là một phương cách tốt để củng cố cơ và dây chằng mắt cá chân và làm giảm bớt đau khớp, giúp tạo cho sự cuộn ra cuộn vào bàn chân tối ưu.

Cải thiện thể hình: Hãy làm săn đôi chân bằng cách lội dưới nước trong 15 phút: không có gì tốt hơn nhằm tăng cường lưu thông máu và dẫn lưu khi ta lội ngâm mình dưới nước tới háng.

2 - Ăn kẹo có vị chua

Thỉnh thoảng ngậm một viên kẹo có vị hơi chua cũng đủ gây kích thích tiết nước bọt. Nó bôi trơn các dây thanh quản và tránh bị khé cổ, vì khi ta ho dễ làm tăng nhạy cảm gây xuất hiện các hạch nhỏ, nguyên nhân khản tiếng.

3 - Hát... ngay cả khi tắm vòi hoa sen

Hát giúp thư duỗi hoàn toàn các cơ, vì khi ta phát ra một âm, ta cần giải phóng hơi thở. Lập tức để không bị nén ép bụng và làm tăng thể tích không khí hít vào, ta vươn cao người lên. Hát là một khoái cảm đưa ôxy vào cơ thể.

4 - Lời khuyên chuyên gia: hãy tập ngủ trưa

Bác sĩ Eric Mullens, thày thuốc về giấc ngủ khuyên: "Nhu cầu tự nghỉ ngơi trong khoảng thời gian từ 14 tới 17 giờ mang tính sinh lý học. Chỉ cần tách mình ra trong khoảng 20 phút tại một nơi yên tĩnh để thư giãn, bằng việc đọc sách báo, nhắm mắt. Nếu bạn cảm thấy thực sự mệt mỏithì nên ngủ độ 1 giờ rưỡi. Giấc ngủ trưa tối ưu hoá khả năng sinh lý vận động và cải thiện tính khí."

5 - Mân mê tai

Mân mê tai kích thích các điểm huyệt. Khi ta mâm mê tai, chính là ta điều chỉnh các trạng thái cảm xúc và làm giảm một số trạng thái đau như đau đầu, mệt mỏi mắt và các triệu chứng stress...

Thủ thuật chống mệt mỏi: mỗi lần thở ra, ta dùng đầu ngón tay trỏ ấn mạnh vào gờ loa tai tức là phần vòng tròn bảo vệ đường vào ống tai. Một động tác nên lặp đi lặp lại khoảng 30 lần cho mỗi bên tai.

6 - Nhìn lãng đãng về phía chân trời

Khi nhìn vào một điểm ở phía xa sẽ giúp cải thiện thị giác, so với khi nhìn vào màn hình, vì ta nháy mắt 33% ít hơn so với trong thời gian bình thường. Kết quả là mắt tiết nước mắt ít hơn nên bị kích thích, đỏ và đau mắt. Tốt nhất cứ sau khoảng 20 phút nên vào một điểm ở phía chân trời, rồi tới một điểm ở gần, hoặc đảo mắt từ trái sang phải, lia mắt sang ngang hoặc từ dưới lên trên...

Thủ thuật thư giãn nhanh: xát hai lòng bàn tay cho nóng lên, rồi áp lên hai mắt nhắm và để đầu đè hết trọng lượng lên đó. Giữ trong vài giây rồi lặp lại động tác.

7 - Dùng đầu ngón tay để ăn

"Ăn bốc" giúp "thử nếm" món ăn. Ta có đủ thời gian khám thức ăn qua ngũ quan. Vì chỉ dùng các đầu ngón tay bốc từng tí thức ăn một, nên nhai nuốt và tiêu hoá tốt hơn.

8 - Ngồi tựa lưng lên ghế

Ngồi làm việc cả ngày gây ra đau gáy và lưng. Để tạo thế cân bằng, cơ thể huy động các cơ mạnh vặn nghiêng hay ưỡn cong... và chính động tác này gây ra các vùng đề kháng mà hậu quả lâu dài là gây đau. Khi hạ xuôi hai vai và thường xuyên đẩy một chút ra phía sau lên thành ghế thì ta tránh được lưng còng.

Bài tập thư duỗi: ở tư thế đứng hay ngồi, ta vươn người khi chụm hai bàn tay ở phía sau lưng và đẩy ra phía sau theo kiểu như kéo gần sát hai xương bả vai, tạo độ lõm phần trên lưng để cho lồng ngực căng ra tới tối đa và giữ tư thế này trong 30 giây. Lặp lại động tác này sau mỗi 2 giờ.

9 - Lời khuyên chuyên gia: kéo duỗi thân mình như con mèo

Bác sĩ khoa bệnh xương Patrick Denier khuyên hãy tập như sau: "Quỳ, đặt mông lên gót chân, vươn hai tay thật xa ra phía trước, và nếu làm được thì áp trán xuống mặt sàn. Hít thở vào thật sâu và thư duỗi toàn thân qua thở ra thật từ từ. Nếu ở tư thế nằm ngửa, vươn hai tay qua đầu và kéo căng người trong vài giây giống như có người kéo căng xé thân mình ra. Đẩy ngực về phía trước một chút nhưng không ưỡn cong thân. Đồng thời ngáp và khi thả xuôi người thì thở ra thật mạnh". Lý tưởng nhất là kết hợp cả hai bài tập.

10 - Luôn luôn thở ra thật sâu

Khi thần kinh căng thẳng thì hô hấp là từ lồng ngực. Kết quả là tiêu hoá khó khăn, đau vùng thắt lưng... khi kéo dài sự thở ra, ta làm cho các cơ hô hấp mềm mại hơn. Hô hấp thêm biên độ đưa thêm ôxy tới các tế bào và thư giãn nhanh.

Thủ thuật chống stress: ngồi thẳng lưng, hít vào thành 4 thì. Giữ hơi thở bằng cách đếm nhẩm trong đầu từ 1 đến 7, nhưng không kìm hãm, rồi thở ra thành 8 thì. Động tác thở rất hiệu quả gây thoát căng thẳng!

11 - Viết những lời có cánh...

Hãy nhắn gửi đôi ba lời có cánh tới người thân yêu là ta đã dành ra vài phút thanh thản tâm hồn và tập trung tư duy. Chính điều đó giúp quên đi các nỗi lo âu. Viết những lời có cánh giúp phát triển tư duy trừu tượng và đối với lứa đôi là phương cách tuyệt vời tạo ra sự đồng cảm, đồng thuận về tình cảm và tình dục.

12- Lời khuyên chuyên gia: hãy chơi đùa với chồng

Martine Teillac, thày thuốc liệu pháp tâm lý, chuyên gia về liệu pháp cho lứa đôi, khuyên: "Kích thích nhẹ nhàng gợi khoái cảm, xoa bóp cho nhau... giúp kích thích cho cuộc sống lứa đôi. Luôn luôn ân cần chăm chút với cái nhìn và xúc cảm của người kia, chuyển hoá nhẹ nhàng thành tầm cỡ tính dục: điều lý tưởng để nảy sinh ra khoái lạc. Lúc vui đùa với nhau giúp củng cố sự đồng cảm và tìm lại được đôi chút thơ ngây trong quan hệ. Tuy nhiên các trò chơi gợi dục cũng có kết thúc của chúng. Nếu chúng không còn gây hứng thú nữa, thì một thú vui khác (vợ chồng dạo chơi phố, công viên...) cũng là một mô thức tốt để gắn kết tình cảm vợ chồng.

13 - Doãng các ngón tay và kéo ngón tay càng dài càng tốt

Theo Đông y, các đường kinh lạc (đường dẫn năng lượng trong cơ thể) xuất phát từ đầu các ngón tay và kẽ giữa các ngón tay. Để kích hoạt lưu thông năng lượng, ta cần kéo dài các ngón tay bằng cách kéo thật nhẹ nhàng từng ngón một nhưng không kết hợp với các khớp, tức là bẻ gập ngón tay cho phát ra tiếng kêu cùng cục.

Hành vi tập trung tốt: để kích thích các huyệt tương ứng với não, xoang trán vào sọ, ta xoa bóp lần lượt từng đốt ngón tay một từ gốc tới đầu mút. ấn gây áp lực lên các ngón và kết thúc bằng cách gõ phần mềm ngón tay bằng đầu móng tay.

14 - Lời khuyên chuyên gia: dọn dẹp và đặc biệt là biết vứt!

Laurence Enfalt, chuyên gia về tổ chức, cá nhân khuyên: "Hãy giải phóng cho không gian sống của bạn bằng cách biết chọn lọc. Phải biết chấp nhận là vứt đi hoặc đem cho người khác, chỉ giữ lại những gì cần thiết cho mình. Để đơn giản hoá cuộc sống: ta mở thư từ, công văn ngay cạnh cái sọt rác để loại bỏ ngay đi cái gì không cần cần thiết, cũng không nên giữ lại những thứ quần áo mà ta đã không mặc từ vài năm nay...".

15 - Đi dạo chơi cùng chú chó

Đưa chú bạn bốn chân ra ngoài trời đi dạo là thực hiện hai cuộc đi chơi cùng một lúc! Chỉ cần 2 lần dạo chơi hàng ngày, mỗi lần 15 phút là đủ củng cố cho vốn sức khoẻ. Hàng ngày, có được 1/2giờ thể dục nhẹ trợ giúp thực sự phòng nguy cơ bị ung thư và bệnh tim mạch. Nên nhớ chỉ cần có 14 bước chân đi bộ là đủ kích hoạt hệ tĩnh mạch và lưu thông máu.

16 - Lời khuyên chuyên gia: cần phải biết thiền

Virginie Cohen, giảng viên có bằng cấp về yoga, khuyên: "Thiền giúp tái khởi động tự nhận thức bản thân: bạn tập chăm sóc cho khu vườn bí mật trong tâm hồn. Dần dần từng tí một, bạn sẽ có độ lùi về các sự kiện. Muốn đạt tới trạng thái đó, bạn cần tạo "khoảng chân không": tư tưởng cho rằng không tư duy nữa là chuyện không tưởng, nhưng để cho những suy nghĩ, âm thanh, hình ảnh trôi đi mà không cần giữ lại. Tốt nhất là nằm dài hoặc ngồi ở một nơi yên tĩnh, tập trung tư duy, hai mắt nhắm... Cũng có thể định hướng tư duy bằng cách nhìn chăm chăm vào ngọn lửa cây nến hoặc nhìn mặt nước sông".

17 - Hay quá, điện thoại di động của tôi đã giảm tải!

Điện thoại di động luôn nhắc nhở ta tới những nỗi lo lắng hàng ngày và bất kỳ ở nơi nào, lúc nào, quả là một chướng ngại cho sự thoải mái tinh thần. Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh ĐTDĐ tạo ra sự phụ thuộc tâm lý và tạo ra lo lắng không đâu. Để phòng ngừa, tốt nhất là hàng ngày bỏ ĐTDĐ trong một thời gian.

Bí quyết tạo thư giãn: ta dẫn lưu "huyệt đạo aspirin" (chống đau đầu) là huyệt nằm ở mặt dưới chỗ nối giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, có tính hút như bọt xốp các chất độc hại trong cơ thể. Khi xoa bóp huyệt này thật tế nhị, ta kích hoạt lại lưu thông năng lượng, rất tốt cho những người có chứng đau đầu và tư duy bắt đầu hơi bấn loạn.

18 - Tại cơ quan, ở nhà, ta viết nguệch ngoạc

Khi ta cần tập trung tư duy, suy nghĩ sâu về một chuyện gì đó thì nên viết nguệch ngoạc lên giấy là một dạng trợ giúp! Đó chính là kết luận của một công trình nghiên cứu của Khoa tâm lý nhận thức Trường đại học Plymouth, Anh. Tay cầm bút chì, ta tăng thêm khả năng phân tích, để cho các ý nghĩ không bị phân tán và không rơi vào tình trạng mơ màng.

19 - Tự tìm ra chân dung bản thân

Tự mình chụp ảnh mình, là một phương thức tự ngoại hiện và tự đạo diễn. Ta tự dành ra một thời điểm hoàn toàn riêng tư để tự phát lộ một phần nhân cách còn chưa được khai thác: ta giải phóng được tính sáng tạo bản thân và trí tưởng tượng (ta có thể hoá trang, đóng giả các vai, tự biến cải qua một số bộ điệu...). Đó là một cách tự giới thiệu mình mà không cần tới ngôn ngữ, mài sắc nhận thức về sơ đồ hình thể, cách tự nhìn nhận bản thân và môi trường xung quanh.

20 - Ngáp thật thoải mái

Ngáp giúp cơ thể tăng thêm ôxy. Ngáp điều hoà sự chuyển hoá, huyết áp và tần số tim, làm cho cơ thể kéo giãn toàn bộ các cơ hô hấp tạo ra sự thư giãn.

Bài tập chống stress: đứng, hai chân choãi ở tầm ngang hông, hít thở vào thật dài để bụng căng phình lên và giơ hai cánh tay qua đầu. Hơi co các cơ, thả lỏng hàm và từ từ thở ra, thả xuôi hai cánh tay và đưa thân mình ra phía trước, càng cúi thấp càng tốt. Tập 3 lần liên tiếp.

21 - Dùng cánh tay ôm thân mình

Dùng hai cánh tay ôm quanh ngực, hai bàn tay chạm xương bả vai, giúp kéo giãn các cơ phần lưng trên. Một động tác sáng tạo để giải toả căng thẳng tích tụ, khi ngồi trước màn hình máy tính hay vô lăng ôtô.

Bài tập tự xoa bóp tăng sức sống: quỳ, lưng để thẳng, đặt lưng bàn tay trái lên đùi. Bàn tay phải nắm lại và vỗ phần trong cánh tay từ vai tới lòng bàn tay. Xoay cánh tay và bắt đầu vỗ phần bên ngoài cánh tay. Đổi bên tay.

22 - Ô hay! Ta quên mất đồng hồ đeo tay!

Đúng là một tin mừng, vì có thể tách mình khỏi giờ giấc thời khoá biểu bị áp đặt, thức giấc tự nhiên, ăn lúc nào tuỳ thích: chính lúc này ta mới cảm nhận thực sự về đồng hồ sinh học của mình, nối lại với bản năng và cảm giác tự nhiên. Sống không có đồng hồ quả là một thử nghiệm đáng quan tâm: giúp tìm lại giấc ngủ bảo dưỡng tinh thần và tăng thêm tính thèm ăn.

23 - Lời khuyên chuyên gia: Hãy tập luyện cười!

Corinne Cosseron, người sáng lập Trường quốc tế về cười www. ecolederire.com, khuyên: "Một tiếng cười sảng khoái giúp làm giãn cơ hoành cách. Mục tiêu: Thoát hết căng thẳng, cảm xúc bị dồn nén trong ngày... Đã có minh chứng muốn sống khoẻ, sống vui thì mỗi ngày cần cười ít nhất từ 10 đến 15 phút. Hãy tập luyện sống với những niềm vui nho nhỏ và phát triển khiếu hài hước... Các môn trò chơi tập thể tạo ra tính vui đùa. Khi có một mình, bạn tập trò chơi con hổ: gầm gừ và cào lên một thân cây tưởng tượng bằng chân và tay. Thử diễn ta nỗi tức giận. Khi tất cả các cảm xúc (buồn, giận...) thoát ra hết, thì bạn đã ở trạng thái tự do để... cười!"

24 - Dành thời gian khi thức giấc

Cơ thể chúng ta cũng giống như động cơ xe, cần có thời gian chuẩn bị trước khi khởi động. Hãy thức giấc thật nhẹ nhàng: trước tiên là thẩm thấu về môi trường xung quanh (giương tai lắng nghe, hít thở sâu không khí...), sau đó kéo giãn mình từ đầu tới bàn thân (xoay xoay các ngón chân, ngáp...) là chuyện nên làm. Vậy, không có gì là trái đạo đức nếu như bạn "nằm ườn" thêm một chút thời gian trên giường: hãy tính ít nhất là 15 phút, trước khi ra khỏi giường và bạn khởi động ngày mới thật vững vàng.

25 - Đưa tay lên vuốt tóc

Đưa tay lên vuốt tóc là tự xoa bóp vô tình, giải phóng các điểm o bế năng lượng do mệt mỏi hoặc căng thẳng do lao động trí óc. Khi đưa các ngón tay cào nhẹ lên da đầu, ta kích thích hệ vi lưu thông máu và kích hoạt hàng nghìn đầu dây thần kinh trên sọ. Gội đầu có cào nhẹ da đầu thì hiệu quả càng tuyệt vời hơn!

Theo F.A, Nam Phương

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận