Email Bản in

Các thuốc sử dụng trong điều trị loét dạ dày - tá tràng

Loét dạ dày tá tràng là một loại bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta. Để điều trị người ta dựa trên cơ sở sinh lý bệnh để loại trừ các yếu tố gây bệnh làm bình thường hóa chức năng của dạ dày, loại trừ các bệnh kèm theo và tăng cường các quá trình tái tạo niêm mạc.

Các antacid (thuốc chống acid): có tác dụng trung hòa acid dịch vị. Thường dùng là: các muối nhôm (hydroxyd, carbonat, phosphat), các muối magnesi (hydroxyd, carbonat, trisilicat) với các sản phẩm như alusi, maalox, gastropulgit... Nhóm thuốc này trước kia dùng phổ biến, có ưu điểm là tác dụng nhanh nên thường dùng để cắt các cơn đau và giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Không nên dùng các thuốc trung hòa quá mạnh và kéo dài vì dễ gây viêm dạ dày do kiềm hóa.

Nhược điểm của nhóm này là tác dụng ngắn (thường chỉ kéo dài khoảng 3 giờ), có nhiều tác dụng phụ và gây nên nhiều tương tác đối với các thuốc điều trị phối hợp nên không thuận tiện cho điều trị. Các hợp chất chứa nhôm thường gây táo bón, chứa magiê gây tiêu chảy (vì thế trong điều trị người ta thường dùng chế phẩm phối hợp cả hai loại này), hợp chất chứa nhôm dùng kéo dài gây xốp xương (do làm giảm hàm lượng phosphat). Những hợp chất chứa nhôm, canxi, magiê dễ tạo phức với một số thuốc, điển hình là kháng sinh nhóm cyclin, quinolon, gây cản trở hấp thu kháng sinh...

Các thuốc giảm tiết:

-   Các thuốc kháng phụ thể H2-histamin: thường dùng là cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin. Các chất này có cấu trúc tương tự histamin nên cạnh tranh với histamin trên receptor tại tế bào viền của dạ dày và do đó ngăn cản sự tiết HCl. Các tác dụng không mong muốn của nhóm này: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tiêu chảy hoặc táo bón. Khi sử dụng cần chú ý: các thuốc có thể làm tăng pH dạ dày, ảnh hưởng đến mức độ và tốc độ hấp thu của các thuốc mà quá trình hấp thu  phụ thuộc vào pH của dạ dày như ketoconazol, griseofulvin...

-   Thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lanzoprazol, panto-prazol): Các thuốc hiện dùng đều thuộc dẫn chất benzinmidazol có tác dụng chống tiết mạch và kéo dài, ức chế bài tiết dịch vị tự nhiên và dịch vị tạo ra do các nguồn kích thích (bữa ăn, stress).

Do hoạt chất của thuốc kém bền vững trong môi trường acid nên các thuốc ức chế bơm pro-ton thường được sản xuất dưới dạng viên bao tan trong ruột. Vì vậy khi uống không được nhai hoặc làm vỡ viên thuốc, phải nuốt nguyên viên thuốc, uống với một cốc nước to (khoảng 200ml). Thời gian uống thích hợp là cách xa bữa ăn (trước khi ăn sáng và trước giờ ngủ buổi tối).

Thuốc bảo vệ niêm mạc, băng bó ổ loét:

-    Thuốc băng ổ loét như alumi-ni sacharose sulffat (sucralfat), khi chất này gặp HCl sẽ tạo thành một lớp dính quánh gắn lên ổ loét, chống lại tác động của acid, pepsin và mật; kích thích tiết chất nhày và bicarbonat, kích thích tổng hợp prostaglandin. Cần uống thuốc vào lúc trước khi ăn 1 giờ (để thuốc kịp bao vết loét trước khi thức ăn vào) và lúc đi ngủ.

-    Thuốc kích thích tiết chất nhày và bicarbonat như cam thảo (có trong thành phần kavet), dimixen, teprenon (selbex), pro-taglandin E1 (misoprostol, cyto-tex)... Ngoài tác dụng kích thích tiết chất nhày và bicarbonate, thuốc còn tăng cường tuần hoàn máu cục bộ, không ảnh hưởng đến sự tiết dịch vị, không ảnh hưởng đến dược động học và tác dụng điều trị của các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), nên nó còn có tác dụng dự phòng loét đường tiêu hóa do sử dụng NASID. Thời điểm uống thuốc nên uống vào bữa ăn và trước lúc đi ngủ.

Thuốc diệt vi khuẩn Helicobacter pylory (HP) bao gồm các loại: kháng sinh (amoxycilin, tetracyclin, clary-thromycin), nhóm imidazol (metronidazol, tinidazol) và các hợp chất bismuth hữu cơ... Hiệu quả điều trị bệnh phụ thuộc nhiều vào khả năng tuân thủ điều trị bệnh của bệnh nhân. Bệnh nhân cần uống thuốc, tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

BS. NGỌC SAN (Sức khỏe và đời sống - Số 99 - ngày 22/6/2010).

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận