Email Bản in

Châu cao ngựa và hành trình chinh phục những ý tưởng độc đáo - Kỳ I

Lưu Vinh

KỲ I

Không hiểu sao cứ mỗi lần nhắc đến anh( Doanh nhân lê Hải Châu), tôi cũng như nhiều người lại gọi anh bằng cái tên ngộ nghĩnh: “Châu cao ngựa”. Xem ra chuyện đó cũng chẵng có gì là lạ,  bởi những năm gần đây, cùng các sản phảm khác, “cao ngựa” do doanh nghiệp của anh sản xuất đã và đang chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước như một thứ “vũ khí” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác đang đe dọa cuộc sống con người.

Từ ngôi sao trở thành kẻ bại trận

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng đúng vào thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở trong thời điểm ác liệt nhất. Những người sống gần Lê Hải Châu thường bảo: Anh là sự kết tinh của những tố chất kiên cường cách mạng của người cha và đức tính tần tảo, hy sinh của người mẹ. Hỏi ra mới biết: Cha anh là một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, còn mẹ anh là một phụ nữ ở quê lúa Thái Bình. Tuổi thơ của Lê Hải Châu là những ngày bom rơi, đạn nổ ở khắp các địa phương các tỉnh miền Bắc nước ta. Năm tháng qua đi, giờ đây trong đầu anh vẫn còn hằn sâu những tiếng bom do máy bay Mỹ ném xuống cướp đi bao sinh mạng của đồng bào, đồng chí cùng bao công trình, cầu cống, nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, trường học và bệnh viện; rồi những ký ức, những kỷ niệm về những ngày theo mẹ đi sơ tán, đêm đêm đùa nô cùng chúng bạn dưới ánh trăng làng. Những ký ức ấy cùng với những tình cảm sâu đậm của đồng bào miền Bắc dường như đã in đậm trong anh. Do vậy khi đến tuổi trưởng thành, như bao chàng trai đất Việt, Lê Hải Châu đã tình nguyện vào quân ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về làm công tác đoàn tại địa phương rồi chuyển tiếp về làm việc ở Sở Văn hóa - Thể thao. Bình thường, cứ như vậy, anh sẽ trở thành một công chức, nhưng cuộc đời lại đưa anh rẽ sang hướng khác. Đó là con đường kinh doanh, lối rẽ đó bắt đầu từ năm 1994, thời điểm mà công cuộc đổi mới ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Anh bảo: Trong bối cảnh ấy “nhận thấy mình không phù hợp vơi vị trí của một công chức mà ngày ngày “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, tôi đã mạnh dạn chuyển nghề sang kinh doanh. Công việc đầu tiên mà tôi làm là tư vấn phát triển doanh nghiệp”. Sở dĩ anh coi đây là hướng đi đầu tiên trong cuộc đời doanh nhân của mình vì theo anh: Trong kinh doanh nếu thiếu ý tưởng tốt sẽ khó thành công.

Là người năng động, tháo vát và nhạy bén, Lê Hải Châu chợt nhận ra rằng, đất nước đang trong thời hội nhập kinh tế sâu rộng vào guồng máy kinh tế thế giới và khu vực, xã hội và nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu tư vấn doanh nghiệp càng lớn. Đây chính là cơ sở để anh thành lập Công ty Tư vấn trọn gói cho doanh nghiêp, từ việc tư vấn đầu tư, định hướng phát triển đến việc xúc tiến lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh. Dần dần nghề tư vấn đến với anh như một cái duyên trời định và người ta cũng biết đến anh bởi những ý tưởng vừa lạ, vừa táo bạo và luôn đi trước, đón đầu các nhu cầu xã hội.

Một trong những ý tưởng của doanh nhân Lê Hải Châu mà dư luận đánh giá là thành công, đó là ý tưởng làm gạch từ cát biển mà không phải nung với chi phí thấp, nguồn nguyên liệu lại dồi dào. Đề cập về việc đưa ý tưởng này vào cuộc sống, Tổng Giám đốc Lê Hải Châu cho biết: Trước đó, vì tính chất công việc nên anh thường xuyên đi đến nhiều địa phương. Những chuyến đi như thế đã giúp anh phát hiện ở Việt Nam có nhiều bãi cát vàng với trữ lượng rất lớn. Trước tiềm năng to lớn ấy, một câu hỏi bỗng lóe lên trong đầu anh: Vữa xây dựng được dùng từ cát thì tại sao lại không dùng cát để làm gạch? Từ ý tưởng đó, sau chuyến đi công tác trở về, anh gặp và thuyết phục bạn bè là các chuyên gia đang công tác trong các ngành xây dựng, hóa chất… cùng bắt tay vào nghiên cứu. Đầu tiên là lấy cát từ vùng biển Vũng Tàu về, khử mặn, sau đó pha trộn với hóa chất, song do pha trộn chưa đúng thành phần nên gạch không ép được. Không nản lòng, cả nhóm tiếp tục miệt mài nghiên cứu, cuối cùng họ đã cho xuất xưởng những viên gạch không nung đầu tiên. Đó là thời điểm cuối năm 2001. Từ thành công đó, Tổng Giám đốc Lê Hải Châu cùng nhóm bạn tiếp tục nghiên cứu và cho ra lò nhiều loại gạch nữa như gạch xây, gạch ốp lát, gạch chịu nhiệt, gạch lát vỉa hè… Đến nay, nhóm của anh đã xác định 7 vùng cát biển để phân loại khu vực và áp dụng công thức pha chế sản xuất khác nhau. Được biết, gạch đúc vào khuôn sau khi phơi nắng từ 4 - 12 giờ là có thể sử dụng được, mở ra một bước ngoặt trong công nghệ sản xuất gạch không nung, giảm lượng khí CO2, đặc biệt giá thành sản phẩm chỉ bằng 20% đến 50% so với các loại gạch khác. Ý tưởng này không chỉ góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái mà còn bảo vệ quỹ đất đang bị hao hụt ở các địa phương. Ngoài việc biến ý tưởng trên vào cuộc sống, thời gian qua, doanh nhân Lê Hải Châu còn có nhiều ý tưởng sáng tạo khác và đưa vào thực tiễn sản xuất thành công, phục vụ đời sống cộng đồng. Những ý tưởng ấy đều bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật của người dân, rồi lại quay trở lại phục vụ người dân.

Nhưng cuộc đời có ai học được chữ ngờ. Doanh nhân, xem ra cũng khó ai tránh được cụm từ đó. Với doanh nhân Lê Hải Châu cũng vậy. Đang là một ông chủ với số tiền tỷ rủng rỉnh, có ngờ đâu anh đã bị trắng tay và trở thành con nợ. Ngay cả căn nhà anh đưa vào thế chấp để vay vốn làm ăn cũng không có cơ hội để chuộc lại. Tình thế như dồn anh vào bức tường. Đã vậy trong hoàn cảnh bĩ cực ấy, người vợ của anh không những không chia sẻ mà còn chủ động làm đơn xin li dị. Mặc dù vụ việc đó xảy ra cách nay đã lâu rồi, song với doanh nhân Lê Hải Châu, anh vẫn coi đó là một bài học sâu sắc trong cuộc đời làm doanh nghiệp của mình. Nhiều lần gặp bạn bè, đồng nghiệp, anh vẫn nói: “Mình phải cảm ơn những lần vấp ngã, bởi có như vậy mình mới tạo dựng được những thành công của ngày hôm nay”. Theo anh kể thì ngày ấy, khi Chính phủ ra nghị quyết về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, anh nảy sinh ý định sản xuất pháo nhựa với mục đích duy nhất là để trang trí, nhưng không ngờ ý tưởng đó lại dồn anh vào chỗ: “Tiền mất, tật mang”. Cơ sở sản xuất của gia đình anh bị đình chỉ, nhà cửa bị cầm cố. Tiền mất, tài sản ở các đại lý cũng bị tịch thu hết hàng, nợ nần chồng chất đã biến Lê Hải Châu, một ngôi sao đang lên trong làng doanh nhân bỗng chốc trở thành một “kẻ bại trận”. Nhiều đêm không ngủ, tôi xác định: Những mất mát đó chỉ là cú vấp ngã qua đoạn đường không bằng phẳng. Đã làm kinh doanh thì thất bại và thành công luôn song hành. Ngã nhưng nếu biết đứng dậy để tiếp tục đi lên thì có gì là thất bại” - Tổng Giám đốc Lê Hải Châu khẳng định.

 

Còn tiếp ...

 

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận