Email Bản in

Trung Quốc: Nỗi ám ảnh an toàn thực phẩm

Sau một loạt những vụ bê bối về an toàn thực phẩm, người dân Trung Quốc đang mất dần niềm tin với các sản phẩm quốc nội. Những quy định, luật mới mà chính phủ nước này cũng chưa giúp nhanh chóng tìm lại được sự an tâm của dư luận.

Không ít người Trung Quốc giờ chuyển sang hình thức vất vả hơn là "tự cung, tự cấp" để bảo đảm độ sạch cho thực phẩm. Guo Hongling là một điển hình. Trời mới tảng sáng, chiếc mai làm vườn của cô đã xắn gọn ghẽ từng nhát. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt nhưng người phụ nữ Bắc Kinh 37 tuổi này đang hài lòng thu hoạch những củ khoai tây tự trồng trên khoảnh vườn nhỏ sau nhà.

Không chỉ khoai tây mà còn rau mùi, hành, bí, cà tím và sắp tới là đến ngày thu hoạch đậu. Để có một khoảng không gian cho kế hoạch "tự cung, tự cấp" này, để giảm bớt mối lo ngại về độ an toàn thực phẩm, đầu năm nay, Guo đã chuyển từ khu đô thị ồn ào bụi bặm ra xa hơn đến Shangyuan ở ngoại ô phía Bắc của Bắc Kinh. Cô mất thêm 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để đến ngôi trường ngoại ngữ nơi Guo làm việc cộng không ít công sức đầu tư cho mảnh vườn nhưng bù lại là một bầu không khí trong lành hơn và cảm giác an tâm hơn khi ngồi vào bàn ăn!

Những mùi vị quê mùa và không mấy dễ chịu như phân chuồng lảng vảng khắp ngôi làng có thể không phải là môi trường sống lý tưởng cho nhiều người thành thị. Nhưng như Guo nhận xét, các gian hàng thực phẩm nhìn sạch sẽ, bóng lộn trong siêu thị lại đáng lo ngại hơn. Đó là nơi mà Guo đã mua sữa bột Sanlu (Tam Lộc) cho cô con gái hai tuổi của mình trước khi thương hiệu sữa nổi tiếng này bị phát hiện nhiễm độc tố melamine, vụ bê bối nặng nề cho ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái.

Đầu tháng 6 năm nay, Luật An toàn thực phẩm ở Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực với những hứa hẹn sẽ nâng các tiêu chuẩn lên mức tốt nhất của quốc tế. Tuy nhiên, cũng như Guo, nhiều người dân nước này đã mất quá nhiều niềm tin. Trong 5 năm qua, không ít vụ bê bối về an toàn thực phẩm đã xảy ra với đủ mọi mặt hàng từ rau quả, mỳ, xì dầu, cá, dầu ăn, bánh bao, đậu phụ, trứng, đồ uống có cồn và chưa đầy 9 tháng sau vụ "sữa bẩn" melaine, niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc lại một lần nữa chao đảo bởi một công ty khác là Moring Garden Dairy ở tỉnh Triết Giang bị phát hiện đã trộn chất lỏng độc hại lấy từ đồ da phế thải vào sản phẩm!

* Từ sữa melamine đến sữa "da"

Đầu tháng 3 năm nay, theo một nguồn tin bí mật, các điều tra viên về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đã kiểm tra đột xuất trụ sở của Morning Garden Diary tại thành phố Kim Hoa (tỉnh Triết Giang). Ở nhà máy sản xuất, họ tìm thấy ba bao (loại 20 kg/bao) đựng chất bột lạ. Xét nghiệm cho thấy đây là bột protein được lấy từ đồ da phế thải và giới truyền thông Trung Quốc đã gọi đây là vụ bê bối "sữa da" sau vụ "sữa melamine".

Ban đầu, một phát ngôn viên công ty thanh minh rằng sự xuất hiện của các bao bột trên là một "âm mưu", là do các đối thủ cạnh tranh gài kế để triệt hạ Morning Garden. Tuy nhiên kết quả kiểm tra các lô sản phẩm của Morning Garden cho thấy cũng có chất phụ gia nguy hiểm trên. Và thế là hai tuần sau, các quan chức chính quyền có chuyến thăm chính thức đến công ty, lần này là để bắt giữ ba quan chức cấp cao nhất của Morning Garden.

Cũng như hóa chất độc hại malamine trong vụ bê bối "sữa bẩn" trước đó, chất chiết xuất từ các đồ da phế thải có thể làm tăng độ protein cho sữa và các thực phẩm khác một cách giả tạo. Lợi thế lớn của chất này là nó là protein thực, khiến khó phát hiện hơn melamine. Một điểm giống nhau chung giữa chúng là đều có chi phí rẻ như bèo. Sự thật kinh hoàng là nguyên liệu thô mà Morning Garden dùng chiết ra chất làm tăng độ protein giả tạo như trên chính là vật liệu da thải ra từ các nhà máy đóng giày, quần áo gần đó.

Một điểm chung quan trọng nhất: chúng đều cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Giáo sư Ralph Blanchfield, cựu Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ thực phẩm quốc tế nhận xét protein chiết xuất từ đỗ tương hay lạc là phụ gia thực phẩm thông thường và hợp pháp ở châu Âu. Còn "sữa da" ở Trung Quốc có lẽ là lần đầu tiên trên thế giới có kiểu sử dụng phụ gia protein như vậy! Theo các nhà khoa học, khi dùng phương pháp thủy phân với đồ da đã thuộc, chất crom sẽ xâm nhập vào protein chiết xuất đó trong 2 dạng hóa trị 6 của mình. Mà ai từng xem bộ phim về cuộc chiến pháp lý bảo vệ môi trường "Erin Brockovich" với vai nữ chính của Julia Roberts đều biết rằng crom hóa trị 6 là "chất độc nguy hiểm gây ung thư. Nó chui vào DNA của bạn và vì thế, bạn truyền lại những điều khủng khiếp cho con cai". Như chuyên gia hóa học trong phim đó kết luận, đây là một chất cực kỳ tệ hại!

Đến cuối tháng 3 năm nay, bị báo động bởi vụ "sữa da" của Morning Garden, một đội kiểm tra phối hợp giữa các ban ngành chức năng ở Trung Quốc cho biết họ phát hiện thêm không ít trường hợp dùng protein chiết xuất từ da như vậy trong thực phẩm sản xuất ở các nhà máy tại các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây và Hà Bắc, đặc biệt là những nhà máy điều hành bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

* Luật chặt chưa chắc đủ?

Khi mối lo về an toàn thực phẩm trong dư luận trong nước cũng như quốc tế đã lên đến mức báo động trong vài năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc quyết định tiến hành những biện pháp mạnh mẽ mà minh chứng rõ rệt nhất là Luật An toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua.

Để hình thành luật này, các ban ngành hữu quan đã bỏ ra 3 năm nghiên cứu với nhiều dự thảo sửa đổi. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc rất chặt chẽ và chu đáo. Chuyên gia Blanchfield nhận xét: "Nó rất rõ ràng và bao trùm mọi khía cạnh của sản xuất thực phẩm. Luật này tỉ mỉ, cụ thể không kém các đạo luật hay quy định về an toàn thực phẩm ở Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, Blanchfield cũng như nhiều chuyên gia khác chỉ rõ ngay cả một luật tốt nhất cũng không phát huy hiệu quả nếu nó không được triển khai thích đáng. Trung Quốc có hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Để bảo đảm tất cả đều tuân thủ luật đòi hỏi quyết tâm ở mọi cấp quản lý cũng như một đội ngũ thanh, kiểm tra đông đảo, được đào tạo bài bản mà lúc này Trung Quốc chưa có được.

Trong quá khứ đã có những trường hợp Trung Quốc công bố một luật rất chặt chẽ song triển khai nó lại hời hợt mà điển hình là Luật Sở hữu trí tuệ. Trên con đường gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Sở hữu trí tuệ mà được đánh giá là còn nghiêm ngặt hơn cả luật này ở những nước phát triển. Thế nhưng nó được thực thi quá yếu ớt và Trung Quốc vẫn phải chịu tiếng xấu là thiên đường cho nạn ăn cắp bản quyền.

Trong khi chờ đợi xem Luật An toàn thực phẩm liệu có nâng cao được các tiêu chuẩn an toàn đích thực, nhiều người dân Trung Quốc buộc phải tìm các phương án khác để bảo vệ cho gia đình mình. Có thể là "tự cung, tự cấp" như câu chuyện của Guo để trên. Có thể là nghiến răng nâng khoản chi cho chuyện ăn uống lên cao hơn, chỉ mua các thực phẩm "sạch" như thực phẩm hữu cơ hay hàng nhập khẩu. Thực phẩm "sạch" giờ đây gắn liền với khái niệm đắt đỏ. Ví dụ điển hình là sau bê bối "sữa bẩn" nhiễm melamine của Tam Lộc, các thương hiệu sữa nổi tiếng khác ở Trung Quốc đã nhanh chóng tung ra những nhãn mác "tiêu chuẩn vàng" như của Mông Ngưu (Yili) hay "Siêu sản phẩm" của Quang Minh (Guangming). Dĩ nhiên các nhãn mác được bảo đảm siêu sạch này có giá cao hơn hẳn nhãn mác thường, thậm chí có thể gấp 5.

Trong một bài báo giữa tháng 5 vừa qua, lúc cao điểm của vụ "sữa da", tạp chí "Tân Dân tuần báo" của Trung Quốc bình luận: "Với những chủ nhà máy vi phạm pháp luật này, đạo đức đã bị mục nát đến mức mọi người chẳng còn gì để nói nữa". Và nếu như Luật An toàn thực phẩm có thể giúp cải thiện tình hình trong ngắn hạn hay trung hạn, về lâu về dài người tiêu dùng Trung Quốc cũng khó hy vọng các nhà sản xuất trở nên lương thiện, tìm lại được lương tâm bởi bài toán lợi nhuận trong một nền kinh tế phát triển nóng ít khi có khái niệm đó! Họ sẽ chỉ biết dựa vào các phương án xoay xở và cả túi tiền để bảo vệ mình cùng người thân...

Đến lượt bánh mỳ

Đầu tháng 9 vừa qua, cơ quan giám sát thị trường ở thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Trung Quốc) cho biết họ phát hiện chất phụ gia nguy hiểm potassium bromate có thể gây ung thư trong nhiều mẫu bánh mỳ bán ở thành phố này.

Cho dù chất phụ gia trên bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2005, nhiều nhà sản xuất vô lương tâm vẫn lén lút sử dụng. Một bếp trưởng khách sạn cho tờ "Quảng Châu nhật báo" biết 90% bánh mỳ bán trên thị trường đều có chất phụ gia mà không ít trong đó nguy hiểm như potassium bromate. Theo bếp trưởng Qiu Weiguo này, chất phụ gia không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà lại làm bánh đẹp hơn, mềm hơn "chiều" thị hiếu người tiêu dùng!

       VŨ TRUNG SƠN   viết từ Hồng Kông

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận