Email Bản in

Ưu tiên 1,2 triệu tiền vaccine phòng cúm A/H1N1 cho phụ nữ mang thai trên 3 tháng

Chiều ngày 11/11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, Việt Nam đã ghi nhận thêm hai ca tử vong do cúm A/H1N1 đều là bệnh nhân nữ. Như vậy đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 41 ca tử vong tại 17 tỉnh, TP (miền Nam 19 ca, miền Bắc 8 ca, miền Trung - Tây Nguyên 14 ca), trong tổng số 10.800 người được xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Hiện số ra viện là 10.572 trường hợp.

Đáng chú ý số ca tử vong chủ yếu ở độ tuổi 16-60, trong đó đáng chú ý có 8 ca không có tiền sử bệnh tật, 10 bệnh nhân là phụ nữ mang thai và 56% mắc bệnh mãn tính.

TS. Nga cho biết, mới đây, Ban điều hành quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccin phòng chống cúm A/H1N1 đã đưa ra phương án lựa chọn đối tượng sử dụng 1,2 triệu liều vaccin cho phụ nữ có thai trên 3 tháng trong cả nước. Hiện Bộ Y tế cũng đang phối hợp với WHO tiến hành nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng, sự biến đổi của virut để kịp thời điều chỉnh giám sát, chẩn đoán và điều trị.

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, qua xét nghiệm của Chương trình giám sát cúm quốc gia cho thấy, tỷ lệ dương tính với cúm A/H1N1 trong cộng đồng vẫn rất cao, chiếm tới 97% số người mắc cúm. Viện VSDT-TW đang phối hợp với WHO soạn thảo các tài liệu truyền thông nhằm đưa ra thông điệp chính xác cho cộng đồng khi triển khai việc tiêm vaccin. Được biết, đến thời điểm này đã có công ty GSK nộp hồ sơ đăng ký lưu hành vaccin H1N1.

TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục QL KCB cho biết, dự kiến ngày 23/11 tới sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm điều trị cúm và SXH cho các tỉnh phía Bắc tại Hà Nội.

Theo BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Việc các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, trong giai đoạn này chúng ta không thể xác định được số ca nhiễm ngoài cộng đồng, nên những ca vào viện thường là những ca nặng. Hiện tại Viện, số ca viêm phổi tăng lên, qua xét nghiệm cho thấy tỷ lệ người nhiễm cúm bị viêm phổi tăng mạnh phải can thiệp bằng máy thở. BS.Hà nhận định số ca bệnh nặng tăng mạnh, nguy cơ thiếu máy thở ở các cơ sở điều trị cúm. Đối với bệnh nhân cúm nặng bị biến chứng viêm phổi thì việc điều trị khó khăn, tốn kém và nguy hiểm không khác gì bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1.

Tại cuộc họp, đại diện Cục QL Dược cho biết, Bộ Y tế đã đồng ý phương án mua 1 triệu viên tamiflu và 10.000 liều zanamivir để điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1.

 

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận