Email Bản in

Axit béo chưa no và hệ tim mạch

 

Qua nghiên cứu và kiểm chứng, người ta nhận thấy các axit béo chưa no có vai trò rất quan trọng trong phòng chống bệnh tật, đăc biệt là các bệnh về tim mạch, một loại bệnh luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số mô hình bệnh tật của con người.
 
Axit béo chưa no
 
Khác với axit béo no, các axit béo chưa no là axit có chứa nhiều mạch kép giữ vai trò quan trọng trong chuyển hóa lipid. Các axit béo chưa no có chứa một nối kép (MUFA, C18:1) có nhiều ở dầu oliu có tác dụng làm giảm LDL-cholesterol so với các axit no và không làm giảm HDL -cholesterol (ngược với glucid). Đó là lý do mà các nhà khoa học thiên về sử dụng các chất béo MUFA để làm giảm cholesterol toàn phần và LDL hơn là cacbonhydrat. Vấn đề này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu thêm.
 
Các axit béo chưa no có nhiều nối kép (PUMA) thiết yếu đối với cơ thể người là axit linoleic (18:2, n-6) và linolenic (18:3, n-3). Axit linoleic là tiền chất của axit arachidonic, còn axit anpha-linolenic là tiền chất của axit eicosapentaenoic (EPA, 20:5,n-3) và axit docosahexaenoic (DHA, 22:6, n-3). Một cách tổng quát, các sản phẩm chuyển hóa của axit béo thiết yếu là các eicosanoid bao gồm các prostaglandin, các tromboxan và các leukotrien. Các axit béo chưa no với 20 cacbon (arachidonic axit: Â và eicosapentaenoic: EPA) có vai trò trong chuyển hóa prostaglandin và quá trình tạo huyết khối. Các axit béo chưa no có nhiều nối kép nhóm n-6 có tác dụng giảm cholesterol huyết thanh, giảm LDL-cholesterol là các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.
 
Vai trò axit béo chưa no omega 3
 
Gần đây các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu và chứng minh vai trò tích cực của các loại axit béo omega 3 (n-3), một loại axit béo nằm trong họ axit béo chưa no có tác dụng tích cực đối với phòng chống các bệnh tim mạch.
 
Axit béo omega-3 là tiền chất của DHA và EPA, DHA (là chữ viết tắc của docosahexaenoic axit) là axit béo không no chuỗi dài có 22 cacbon và chứa 6 nối đôi còn EPA (eicosapentaenoic axit) là axit béo không no chuỗi dài 20 cacbon và chứa 5 nối đôi. Trong cơ thể EPA được xem là axit béo thiết yếu sẽ chuyển hóa thành các chất sinh học quan trọng như prostaglandin, leucotrien. Còn DHA là axit béo quan trọng trong việc tăng cường hoạt động trí não.
 
Các loại thực vật nổi ở biển và sông hồ tổng hợp các chất béo này và chúng là nguồn thức ăn cho cá, hải sản, các động vật có vú ở biển. Bởi vậy axit omega 3 thường có nhiều trong mỡ cá, vùng biển lạnh và sâu như cá Tuna, cá Salmon (chất lỏng lấy từ mỡ loại này ở nước ta quen gọi là dầu gan cá thu hay dầu cá thiên nhiên). Từ các công trình nghiên cứu các nhà khoa học khuyến cáo nên dùng thực phẩm giàu axit omega-3 và DHA để đạt lợi ích sau:
 
Tác dụng lên não bộ và hệ thần kinh trung ương: thành phần của não là chất béo và DHA chiếm khoảng ¼ lượng chất béo này. Sữa mẹ được xem là chứa nhiều DHA trong khi sữa bò chứa rất ít mà DHA lại đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển trí não của trẻ. Vì vậy sữa mẹ luôn là tốt nhất đối với trẻ còn bú, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
 
Tác dụng bảo vệ tim mạch: nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ DHA làm giảm lượng triglyxerit máu ở những người có triglyxerit cao, giảm loạn nhịp tim, rung tâm thất, hình thành huyết khối, làm giảm tỷ lệ bệnh động mạch vành, giảm chứng nhồi máu cơ tim. Các quan sát thực địa cho thấy, ở bộ tộc Greenland Ékimo có tỷ lệ mắc bệnh vành thấp hơn so với người Đan Mạch nhờ chế độ ăn của họ có nhiều dầu cá biển hơn. Từ năm 1963 đến 1967 toàn bộ người Eskimo ở vùng Greenland chỉ có 3 người bệnh động mạch vành.
 
Các axit béo omega-3 không chỉ có từ nguồn gốc động vật mà còn có ở thực vật (axit anpha-linoleic-ALA) cũng có tác dụng tương tự. Chế độ ăn của dân cư vùng Địa Trung Hải có nhiều axit anpha-linoleic, ở đây tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch ít hơn các nơi khác.
 
Từ các công trình nghiên cứu và được kiểm chứng như đã nói trên, các nhà khoa học đã khuyến nghị: chế độ ăn hàng ngày cần tăng cường axit béo n-3 để phòng các bệnh mạch vành cụ thể, mỗi tuần nên có 2-3 lần ăn cá thay vì ăn thịt. Tất cả các loại cá và hải sản đều chứa các axit béo n-3, ngay cả khi lượng lipid thấp như ở một số hải sản. Đối với những người không thích, hay dị ứng với cá và hải sản có thể sử dụng dầu cá mỗi ngày 2-3g.
 
ThS.BS.Phạm Tiến
(Sức khỏe và đời sống - Số 76 tháng 4/2010).
Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận