Email Bản in

Kị sĩ miền sơn cước

Chàng trai dân tộc Tày - Lâm Văn Sơn, sinh năm 1974, thôn Sín Chải B, xã Na Hối, Bắc Hà (Lào Cai) người về nhất trong giải đua ngựa năm 2008 là một nông dân sản xuất giỏi.

Chàng trai dân tộc Tày - Lâm Văn Sơn, sinh năm 1974, thôn Sín Chải B, xã Na Hối, Bắc Hà (Lào Cai) người về nhất trong giải đua ngựa năm 2008 là một nông dân sản xuất giỏi. Con ngựa anh dùng để chở hàng cũng chính là tuấn mã trong các cuộc đua ở Bắc Hà mấy năm gần đây. Anh Sơn nói, đua ngựa là một thú chơi thể thao của thanh niên vùng cao có từ rất lâu ở Bắc Hà. Để chọn được con ngựa tốt kéo xe cũng như đua chạy khỏe, anh cũng phải đến 3, 4 phiên chợ mới chọn được con ưng ý.

Diễn xiếc trên lưng ngựa

Chứng kiến tận mắt, chúng tôi càng thán phục các vận động viên đua ngựa vùng cao Bắc Hà. Họ cưỡi ngựa không yên và không bàn đạp giữ chân như các kỵ mã ta thường thấy trên phim ảnh. Các tay đua ở đây chỉ lót lên lưng ngựa một miếng vải hoặc chăn chiên cũ được giữ bởi một đai bằng dây thừng bện chằng qua thân ngựa. Dây cương đơn giản chỉ có hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển ngựa chạy đúng hướng. Người đua không cầm roi quất ngựa được mà hai tay phải cầm dây cương, vừa điều khiển vừa giữ thăng bằng trên lưng ngựa. Muốn giữ được thăng bằng cần phải biết cách ngồi vào đúng điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa, ai không giữ được nhịp sẽ mất thăng bằng mà ngã.

Giải đua năm 2008, trên 20 cặp đua chỉ có một nửa về đích do mắc các lỗi trên. Vì vậy, người về đích không những được khán giả thán phục về tài chăm chọn ngựa tốt mà còn thán phục họ ở khả giữ thăng bằng như diễn xiếc trên trên lưng ngựa trong suốt quãng đường đua. Đấy cũng là nét độc đáo và gây cười, vui nhộn nhất ở giải đua ngựa vùng cao Lào Cai.

Theo kinh nghiệm của anh Lâm Văn Sơn, chọn ngựa tốt trước hết phải có dáng to, cao, chân thẳng, mình thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, da mỏng, lông mượt. Đặc biệt không nên chọn ngựa có lông nhiều màu sắc. Trước khi mua, tốt nhất nên cưỡi thử chạy mấy vòng quanh bãi bán. Nếu ngựa chạy về mà thở đều, không thở dốc là ngựa có sức khỏe tốt, còn muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Và một điều không thể quên khi mua ngựa là phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh hay cắn, đá người. Dân mua ngựa sợ nhất là mua phải ngựa lạ không rõ nguồn gốc.

Đối với người dân vùng cao, con ngựa cũng như con trâu, đều là “đầu cơ nghiệp”, bởi nó giúp cho người dân rất nhiều việc nặng nhọc vận chuyển trên đường dài, dốc cao mà con người không thể mang vác được.

Thực ra, việc chọn ngựa thì chỉ học qua kinh nghiệm nhưng cũng nhiều công phu lắm. Ông Lý Lao Vu ở thôn Hán Dù, xã Bản Phố - chủ nhân của con ngựa 6 tuổi, 2 lần đạt giải á quân kể: Ông là thầy thuốc của ngựa trong vùng, ông biết chữa nhiều loại bệnh cho ngựa. Ông Vu cho hay, ngựa là loài có sức khỏe dẻo dai, ít bị ốm, dễ cho ăn hơn trâu, bò. Thức ăn của ngựa thường là cỏ, cám, ngô, thóc, đậu tương. Tuy nhiên, ngựa đua thì cần cho ăn điều độ để ngựa không được béo quá, cần cho ăn thêm nhiều đậu tương hơn bình thường gần ngày đua. Đặc biệt, muốn ngựa có sức khỏe phải cho ngựa luyện chạy thường xuyên, nhưng cần tránh chạy ở đường đá, dễ hỏng móng của ngựa.

Đua ngựa, nét đẹp văn hoá vùng cao

Theo lời kể của các bậc cao niên, ngày xưa ở Lào Cai giải đua ngựa thường được tổ chức vào mùa xuân, các kỵ sĩ đua ngựa khác bây giờ nhiều lắm, họ đua ngựa bao giờ cũng kèm theo bắn cung hoặc bắn súng, cướp cầu. Đường đua lấy điểm xuất phát từ đầu làng đến cuối làng hoặc xung quanh thôn xóm. Tại Bắc Hà, đường đua thường từ ngã ba chợ cũ và đích là bãi đất trống trước dinh thự Hoàng A Tưởng (chiều dài đường đua khoảng 2 km). Các kỵ sĩ khi đến đích phải nhảy xuống bắn năm phát súng vào bia sau đó lên cướp quả cầu đỏ và lại nhảy lên ngựa phi quay lại điểm xuất phát. Giải nhất thuộc về người nào phi nhanh nhất, bắn giỏi nhất. Tất nhiên đường đua hồi đó khó khăn hơn bây giờ nhiều vì có chỗ dốc, có chỗ cua gấp nguy hiểm, nên gần như trong cuộc đua nào cũng có ngựa và người bị thương.

Giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng sẽ khai mạc ngày 30/5. Đây là lần thứ 3 Bắc Hà tổ chức "Tuần văn hóa du lịch", trong đó môn đua ngựa được vào danh mục hoạt động chính, đang ngày càng được nhân dân hưởng ứng và trở thành tâm điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận