Email Bản in

Những bài thuốc quý từ cây Ổi sau nhà

 

Lương y Võ Hà
 
ỔI LÀ MỘT LOẠI CÂY ĂN QUẢ QUEN THUỘC. HÌNH ẢNH "CÂY ỔI SAU NHÀ" ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT BIỂU TƯỢNG ĐẶC TRƯNG CHO MIỀN QUÊ VIỆT NAM. CÂY ỔI KHÔNG CHỈ CHE MÁT, TẠO THÊM NÉT ĐA DẠNG CHO VƯỜN CÂY ĂN QUẢ CỦA GIA ĐÌNH MÀ CÒN LÀ MỘT NGUỒN DƯỢC LIỆU PHONG PHÚ CHO NHIỀU TRƯỜNG HỢP CẤP CỨU KHÁC NHAU, THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN, QUẢ ỔI CÓ TÍNH MÁT, VỊ NGỌT, CHUA, HƠI CHÁT, KHÔNG ĐỘC, CÓ TÁC DỤNG SÁP TRƯỜNG, CHỈ TẢ, THƯỜNG DÙNG ĐỂ SÁT TRÙNG, RỬA VẾT THƯƠNG, TRỊ TIÊU CHẢY.
 
Mô tả:
Cây ổi còn được gọi là Phan thạch lựu, tên khoa học Psidium guajava L., thuộc họ Sim (MYRTACEAE). Ổi là một loại cây nhỡ, cao từ 3 đến 6 mét. Cành nhỏ có cạnh vuông. Lá mọc đối, hình bầu dục, có cuống ngăn, phiến lá có lông mịn ở mắt dưới. Hoa có màu trắng, mọc ra từ kẽ lá. Quả mọng, có phần vỏ quả dày ở phần ngoài. Ổi có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, lam sang châu Á, châu Phi. Hiên nay, ở nước ta có nhiều loại ổi. Ổi mọc hoang ở khắp nơi từ vùng đồng bằng đến đồi núi. Ổi cũng thường được trồng để ăn quả.
Dược tính:
 
Nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng của ổi cho biết quả ổi có hàm lượng các vitamin A, C, acxít béo, Omega 3, Omega 6 và nhiều chất xơ [i]. Ổi là một trong những loại rau quả có tỷ lệ Vitamin C rất cao, mỗi 100g có thể đến 486mg Vitamin C [ii]. Vitamin C tập trung cao nhất ở phần vỏ ngoài, càng gần lớp vỏ ngoài, lượng sinh tố càng cao. Do đó, khi ăn ổi, nên rửa sạch và ăn cả vỏ. Quả ổi là một nguồn thực phẩm ít calori nhưng giàu chất dinh dưỡng và có nhiều chất chống oxy hóa thuộc 2 nhóm carotenoits và polyphenol. Theo những nghiên cứu khoa học về những chất chống oxy hóa [iii], vị chua và chất chát trong nhiều loại rau quả, bao gồm lá ổi, quả ổi là do độ đậm đặc của những loại tanin có tính chống oxy hóa gây ra. Tương tự như quy luật mày càng sậm như vàng, tía, đỏ càng có nhiều chất chống oxy hóa, vị càng chát, càng đắng, càng chua độ tập trung của những chất này cũng càng nhiều. Ngoài Vitamin A, C,  quả ổi còn có Quercetin, một chất có tính chống oxy hóa cực mạnh có tác dụng khàng viêm, chống dị ứng trong nhiều chứng viêm nhiễm mãn tính như suyễn, dị ứng, tim mạch, thấp khớp, lở loét, ung thư.
Một tính chất quan trọng của ổi thường được sử dụng làm thuốc là tác dụng thu liễm, se da, co mạch, làm giảm sự xuất tiết và giảm sự kích thích ở màng ruột. Tác dụng này được dùng rộng rãi trong nhiều chứng tiêu chảy, thổ tả hoặc kiết lỵ. Trong nhiều trường hợp rối loạn thuộc loại này, điều cơ bản là chống mất nước, giữ ẩm người, bảo vệ khí hóa của Tỳ vị. Búp ổi, lá ổi là một vị thuốc đáp ứng rất tốt cho yêu cầu se da, giảm xuất tiết và cả giảm kích thích để làm dịu các triệu chứng cấp. Uống thêm nước cháo gạo lức rang có thêm vài lát gừng nướng và một chút muối vừa bảo đảm yêu cầu bổ sung nước, vừa giữ ấm trung tiêu và kích thích tiêu hóa là những biện pháp đơn giản, ở trong tầm tay, nhưng có thể giải quyết được hầu hết các trường hợp.
Kinh nghiệm dân gian nhiều nơi đã dùng lá ổi giã nát hoặc nước sắc lá ổi để làm thuốc sát trùng, chống nấm, chữa các trường hợp lở loét lâu lành, làm giảm sốt, chữa đau răng, chữa ho, viêm họng. Nghiên cứu của Trần Thanh Lương và các cộng sự [iv] cho biết tác dụng chống nhiễm khuẩn và nhiễm nấm là do 2 hoạt chất Beta-caryophyllen và Alpha-caryophyllen. Ở Ấn Độ, người ta còn dùng nước sắc lá ổi để chữa viêm thận, động kinh. Có thể thấy hiệu quả chữa bệnh ở đây là do tác dụng tổng hợp của 3 yếu tố (1) thu liễm (2) sát trùng (3) kháng viêm.
Sau đây là một số cách sử dụng Ổi phổ biến:
- Chữa vết thương do chấn thương hoặc trùng, thú cắn: Búp ổi non nhai nát, đắp vào vết thương
- Chữa vết loát lâu lành ở chân, tay: Búp ổi, lá non khoảng 100g, sắc đặc, ngâm tay hoặc chân bị loét vào nước sắc lúc thuốc còn ấm. Mỗi ngày ngâm khoảng 2 hoặc 3 lần.
- Chữa đau trăng hoặc vết lở ở miệng: Có thể dùng một trong 3 cách: (1) Nhai hoặc giã nát búp ổi non xát nhẹ vào nướu hoặc vào chỗ lở. (2) Thêm một chút nước ấm và một tí muối vào khoảng 7 búp ổi non. Giã nát. Dùng một que tăm có bông gòn ở đầu thấm vào nước thuốc đã giã ra để lăn hoặc chà nhẹ vào nướu hoặc chỗ lở (3) Lá ổi non khoảng 100g, sắc đặc, dùng nước sắc để súc miệng và ngậm vài phút trước khi nhả ra.
- Chữa ho, sốt, viêm họng: Lá ổi non 20g đến 40g phơi khô, sắc uống.
- Chữa tiêu chảy cấp: Búp ổi 20g, vỏ măng cụt 20g, gừng nướng 10g, gạo rang 20g sắc uống.
- "Bách chiến tán" chống dịch tiêu chảy cấp. "Bách chiến tán" là phương thuốc của lương y Lê Minh Xuân [v] để chữa những trường hợp tiêu chảy hoặc thổ tả do Tỳ Vị hư yếu gặp phải phong độc hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn. Bài thuốc gồm: Búp ổi 200g, Vỏ sung 500g, Vỏ quýt 20g, gừng già 100g, hạt cau già 10g, nhục đậu khấu 150g. Các vị thuốc sắt nhỏ, phơi khô, tán bột, phân vào những gói nhỏ, mỗi gói 6g. Người lớn dùng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một gói.
- Chữa tiểu đường túyp 2: Phần vỏ của quả ổi có nhiều chất xơ, Vitamin C và những chất chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm và ổn định đường huyết rất tốt cho các bệnh nhân tiểu đường túyp 2. Không ăn phần ruột có nhiều hạt và chỉ số đường cao. Liều dùng trung bình 150g mỗi ngày. Người già có thể xắt nhỏ, xay và ép lấy nước uống. Tuy nhiên, nước ép sẽ mất bớt đi Vitamin và chất xơ.
- Chữa băng huyết: Quả ổi sao khô, đốt tồn tính, tán bột. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần khoảng 8g.
Lưu ý: Không dùng ổi cho những người đang bị táo bón. Ruột ổi có thể làm nhuận tràng nhưng chất chát trong lá ổi và vỏ ổi có thể gây táo bón.
________________________________________________________
[i] Guava, Nutrients and dietary and antioxidants value. http://en.wikipedia
[ii] Phạm Hoàng Hộ, Cây có vị thuốc ở Việt Nam. NXB Trẻ, 2006. Tr262.
[iii] Antioxidants. http://tuberose.com/antioxidants.html.
[iv] Investigation of chemical composition and biological activities of essential oil from psidium guyjava L. http://nimm.org.vn.
[v] Lê Minh Xuân. 53 bài thuốc Đông y. NXB Y học. 1977. Tr.33.
 
(Nguồn: Tạp chí Cây Thuốc Quý số 153 Tr12, 13)
Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận