Email Bản in

Quả Vải làm thuốc

Nước ta có nhiều loại vải khác nhau, nhưng hương vị tuyệt vời hơn cả vẫn phải nói đến giống vải thiều có từ lâu đời ở vùng Thanh Hà - Hải Dương. Hàng năm cứ vào hè, hễ khi tu hú gọi bầy (khoảng tháng  5 - 6) là mùa vải chín. Cây vải có tên khoa học là Nephelium Litch hay Litchisinensis, thuộc họ bồ hòn Sapindaceae.
Tính vị trong đông y
Quả vải thơm ngon nên mỗi khi ăn vào khiến cơ thể trở nên khoan khoái. Quả vải vừa được sử dụng ăn tươi hay sấy khô, hạt thái mỏng phơi khô cũng là vị những vị thuốc, một dược liệu quý vì chữa được nhiều bệnh. Đông y gọi vải là lệ chi, hạt vải gọi là lệ chi hạch và thuộc tính dương nên người Quảng Đông, Trung Quốc còn cho rằng ăn một quả vải bằng bằng giữ ba ngọn đuốc trong người (nhất đạm lệ chi tam bả hoả).
Người ta cũng đã phân tích thành phần dinh dưỡng trong phần cùi của quả vải (hay còn gọi là múi vải) thấy có các chất chủ yếu là đường glucose chiếm 66%, đường mía chiếm 5%, protein 1,5%, lipid 11%, cùng nhiều loại vitamin như: C, A, B hay các acid hữu cơ như: acid citric, acid táo và các muối khoáng...Trong hạt vải cũng có tamin, chất béo...
Đông y cho rằng quả vải có vị ngọt chua, tính ôn đi vào các kinh phế, tỳ, nhờ vậy làm cho mát phổi, bổ âm tỳ, gan, huyết, sinh nước bọt, giải khát, làm người khoan khoái, bớt bốc nóng, nặng đầu và chữa trị bệnh mụn nhọt và nhiều bệnh. Hạt quả vải (lệ chi hạch) cũng có vị ngọt chát, tính ôn, làm ấm bụng, do vậy được sử dụng để trị bệnh đau bụng, song lại có tác dụng tán hàn, nên chữa được tiêu chảy ở trẻ em. Ngoài ra còn sử dụng hoa vải, vỏ thân, rễ của cây vải sắc lấy nước dùng làm nước súc miệng chữa bệnh viêm miệng và đau răng. Theo "Nam dược thần hiệu" thì vỏ thân cây vải có tính thu liễm nên được sử dụng làm thuốc chữa tiêu chảy.

Những phương thuốc trị bệnh từ quả vải
- Chữa mụn nhọt: lấy múi vải, ô mai lượng hai thứ như nhau, giã nát tạo thành cao đắp lên nơi có mụn. Hoặc lấy 5 - 7 múi vải giã nát trộn với hồ nếp phếch lên giấy tạo thành cao dán đắp lên mụn.
- Chữa viêm miệng và đau răng: lấy vỏ thân cây vải sắc lấy nước đặc súc miệng nhiều lần trong ngày. Hoặc có thể sử dụng cả quả vải, thêm ít muối, đốt thành than, tán bột mịn, lấy bột này xát vào chổ răng đau vài lần trong ngày.
- Chữa tiêu chảy trẻ em: lấy hột vải tán bột, ngày sử dụng 4 - 8g sắc lấy nước uống hoặc bột chiêu với nước cũng được.
- Chữa nấc: lấy bảy quả vải để cả vỏ rang hay đốt thành than, tán bột, hoà với nước nóng cho uống. Cần sử dụng vài ngày liền.
- Chữa tinh hoàn sưng đau: lấy hạt vải đốt thành than, tán nhỏ, hoà với rượu mỗi lần từ 4 - 6g cho uống. Ngày uống 1 lần.
Hạt vải, thanh bì (bỏ ruột) hai thứ đều có lượng như nhau, sao, tán bột, mỗi lần uống 8g chiêu với rượu, cần uống vài lần.
- Chữa chứng sa dạ con: cùi vải tươi sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần hoặc có thể ngâm rượu uống.
- Chữa thống kinh: theo "Nam dược thần hiệu" phụ nữ bị đau bụng khi hành kinh, hay đau bụng sau sinh có thể lấy hạt vải 20g, đốt cháy tồn tính, củ gấu (hương phụ) sao 40g, hai vị đem tán nhỏ mịn. Mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần uống 8g chiêu với nước muối nhạt, hay với nước cơm.
- Chữa khô cổ, khản họng: dùng cùi vải khô nhai ngậm có công hiệu bảo dưỡng thanh đới. Tuy nhiên, khi đang bị viêm nhiệt miệng, răng lợi chảy máu không dùng.
- Chữa trẻ bị són tiểu (đối với trẻ bị són tiểu do cơ thể suy nhược thì phương thuốc này rất hiệu nghiệm): lệ chi 15g, kim anh tử 10g, tiêu mao 10g, táo đỏ 15g. Tất cả các vị này đều cho vào bọng đái lợn (bàng quang heo) đã làm sạch rồi hấp chín mang ra cho trẻ ăn hết. Cần ăn vài lần rất hiệu nghiệm.
Rượu hồi xuân (nhờ tác dụng của phương thuốc này làm bổ nguyên khí, ích tinh thần, rất hợp sử dụng cho người cao tuổi, trung niên mà thể chất yếu, tinh thần kém phấn chấn): cần lấy cùi vải (quả vải bóc cả vỏ và hạt) 1kg, rượu gạo 2,5 lít, nhân sâm 30g. Thái mỏng nhân sâm, cùng cùi vải cho vào túi vải lụa rồi ngâm vào trong bình rượu. Đậy kín nắp để sau 5 ngày gạn nước ra uống hàng ngày vào hai buổi sáng và tối. Mỗi lần uống 10ml.
- Chữa cơ thể suy nhược: vải khô 7 quả, đại táo 7 quả, sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
- Rượu vải tráng dương ích khí: lấy 1 kg quả vải tươi, bóc bỏ vỏ để lại cùi và hạt. Rượu gạo để lâu năm 1 lít, cả hai thứ cho lẫn ngâm trong 7 - 10 ngày có thể sử dụng được, mỗi lần uống tuỳ tửu lượng nhưng đừng uống say.
- Trị khí hư, vị hàn: lấy cùi của 5 quả vải cho vào một cái cốc rượu gạo làm sao để rượu phải ngập cùi vải, rồi nấu trên lửa nhỏ. Sau ăn cả cái lẫn nước. Cần ăn nhiều lần mới hiệu quả.
- Trị hôi miệng: lấy cùi vải khôn nhai ngậm trong ngày.


 

Các món cháo bổ dưỡng từ vải
- An thần, dưỡng khí: vải khô 5 quả (bóc lấy cùi vải khô), gạo vụ xuân 1 nắm, cho cùng vào nấu thành cháo, ăn ngày 3 lần. Nếu cho thêm hạt sen và sơn dược vào nấu thành cháo mà ăn lại càng hiệu nghiệm.
- Món cháo vải (tác dụng bổ tỳ, dưỡng gan, kiện não, ích trí): lấy 5 quả vải khô bóc vỏ bỏ, hạt để lại cùi vải khô, cho vào 250g gạo nấu nhừ thành cháo, chia ra ăn 2 lần trong ngày.
- Cháo hạt vải, hạt quýt, hồi hương (tác dụng hành khí, lưu thông, thích hợp cho nữ mang thai bị gan uất): hạt vải 5g, tiểu hồi hương 10g, hạt quýt 5g, gạo tẻ 50g. Đầu tiên cho hạt vải, hồi hương, hạt quýt vào sắc lấy nước uống. Sau cho gạo tẻ vào nước này nấu nhừ thành cháo.
Với đàn ông, sử dụng cháo này vào lúc nào cũng đều được, ngày ăn 1 liều này. Còn với phụ nữ, cần sử dụng cháo loại này vào khi kinh nguyệt vừa kết thúc được 1 ngày, dùng cháo này ngày 1 lần vào buổi tối. Đợi kỳ kinh sau lại mới tiếp tục sử dụng cháo loại này. Cần sử dụng liền 3 tháng mới hiệu nghiệm.

BS: Hoàng Xuân Đại
Báo Sức khoẻ & Đời sống - số 604 ngày 30/7/2010

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận