Email Bản in

Sống chung với người bị viêm gan

 

Hiện nay bệnh viêm gan A, B, C, D và E đã lan tràn khắp nơi, nhất là ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, cả nước ta đã có khoảng 10 triệu người mắc bệnh viêm gan siêu vi, chiếm tỷ lệ 1/8 dân số. Vì đa số bệnh nhân viêm gan tuy có bệnh, nhưng không hề có biểu hiện đau đớn, nên họ có thể tiếp tục làm lây bệnh cho người khác khá dễ dàng.
 
ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH VIÊM GAN 
- Tùy theo từng loại vi khuẩn viêm gan, bệnh sẽ lây truyền qua nhiều phương thức khác nhau.
- Thông hiểu được những phương thức lây bệnh và cách điều trị bệnh viêm gan là điều kiện tiên quyết để có thể sống chung với người bị viêm gan.
- Tự tìm cách chữa viêm gan, hoặc theo những phương thức chưa được chấp thuận bởi Bộ Y tế có thể làm lá gan hư hại một cách nhanh chóng hơn.
- Vì bệnh AIDS cũng lây qua máu và quan hệ tình dục, nên một số bệnh nhân viêm gan, nhất là viêm gan B và D cũng có thể bị nhiễm thêm HIV. 
Tuy viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm, nhưng bệnh không nguy hiểm như AIDS hoặc tạo cảm giác ghê sợ như bệnh phong. Bệnh không có đặc tính "di truyền", nên anh chị em trong nhà không nhất thiết phải mang cùng một căn bệnh. Tùy theo từng loại vi khuẩn khác nhau, bệnh có thể lây từ người này qua người kia bằng cách này hoặc cách khác. Vì thế, khi sống với người bị viêm gan, không những chúng ta phải biết cách giúp đỡ người bệnh vượt qua những khó khăn, mà còn phải thông hiểu những cách thức bảo vệ cho chính mình.
 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý 
1. Bệnh viêm gan A rất dễ lây (do lây qua đường tiêu hóa). Bệnh dễ lây nhất là vào một vài tuần trước khi bệnh nhân có những triệu chứng của viêm gan cấp tính. Nhưng khi da và mắt trở nên vàng thì bệnh không còn mang tính truyền nhiễm, tiếp xúc với người bệnh lúc này không nguy hiểm nữa. Nói cách khác, bệnh chỉ dễ lây trong thời gian ủ bệnh. 
Có thể tiêm ngừa một cách dễ dàng bệnh viêm gan A. Ngoài ra do đa số chúng ta đều đã tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan A trong quá khứ nên cơ thể đã có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A. Điều này có nghĩa chúng ta đã được miễn nhiễm vi khuẩn viêm gan A.
 
2. Bệnh viêm gan B lây qua máu và đường tình dục (nên khó lây hơn bệnh viêm gan A). Thuốc tiêm ngừa viêm gan B rất hiệu nghiệm và an toàn nên chúng ta cần tiêm càng sớm càng tốt. Ngay cả những phụ nữ đang có thai, nếu chưa được miễn nhiễm cũng nên tiêm ngừa để tránh tình trạng bị viêm gan B cấp tính trong thời gian nguy hiểm này. Đa số phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, nếu chẳng may bị bệnh viêm gan B cấp tính vẫn có thể "lướt" qua một cách dễ dàng, và bệnh cũng không trở nặng hơn so với người bình thường không mang thai.
 
3. Không nên giao hợp khi người phụ nữ mắc bệnh viêm gan C đang hành kinh. Nếu người phụ nữ viêm gan C đang có kinh, sau khi tắm xong, nên giội nhiều nước để rửa sạch một số giọt máu nhỏ có thể dính dưới sàn; Hoặc dùng xà-bông lau nhà hay các loại thuốc "xịt" khử trùng sau khi bước ra khỏi phòng tắm.
 
4. Nên dự trữ một ít găng tay khám bệnh trong nhà, để đề phòng trường hợp phải chăm sóc những vết thương của bệnh nhân viêm gan B và C.
 
5. Phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa bệnh viêm gan B và D là chủng ngừa, vì vậy ta nên đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt. Nếu có một trong những người thân đang bị viêm gan B, nên định lượng HBsAB (HBsAB titer) trong máu, trường hợp định lượng cao hơn 10 IU/L, tức là đã được miễn nhiễm cho cả hai bệnh viêm gan B và D.
 
6. Vì viêm gan B, C, D gần như không bao giờ lây qua mồ hôi và nước bọt nên những tiếp xúc, va chạm hàng ngày với bệnh nhân không nguy hiểm lắm. Chúng ta vẫn có thể ăn uống chung hoặc chấm chung một chén nước mắm với họ mà không sợ bị lây bệnh. Do đó không cần phải cô lập hóa bệnh nhân viêm gan. Bắt họ nấu nướng riêng hoặc dùng những chén bát riêng là một điều phi lý, thiếu hiểu biết về khoa học.
 
7. Viêm gan E lây qua thức ăn và nước uống ô nhiễm bởi vi khuẩn. Khác với viêm gan A, bệnh vẫn có thể tiếp tục lây trong nhiều tuần lễ, sau khi người bệnh đã phát ra những triệu chứng viêm gan cấp tính. Vì số tử vong cho cả mẹ lẫn bé sơ sinh có thể tăng lên rất cao, nhất là trong 3 tháng cuối của thai kỳ, do đó những phụ nữ đang mang thai phải rất thận trọng về vấn đề vệ sinh nếu trong nhà có người đang bị viêm gan E.
 
Một khi gan đã bị chai, bệnh sẽ tiếp tục phát triển ngày một nhanh hơn. Đây là thời gian "không còn thuốc chữa", tất cả mọi nỗ lực trị bệnh chỉ nhằm trì hoãn và thuyên giảm những biến chứng của chai gan. Trong thời điểm này, tất cả các thuốc, ngay cả những thuốc thiên nhiên từ cỏ cây, nếu uống không đúng cách hoặc quá nhiều đều có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
 
BỆNH VIÊM GAN VÀ BỆNH AIDS
 
Vì cách thức lây nhiễm viêm gan B và AIDS tương tự nhau, nên một số bệnh nhân đã bị lây cả 2 bệnh này cùng lúc, khi dùng chung kim tiêm hoặc giao hợp với người có bệnh. Hiện những trường hợp này đang tăng nhanh một cách đáng ngại.
 
Bệnh nhân bị viêm gan B và C, nếu bị lây thêm AIDS sẽ dễ tử vong hơn. Vì vi khuẩn viêm gan, cộng với sự "tiếp tay" của HIV có thể sẽ tàn phá gan một cách nhanh chóng. Bệnh nhân cũng dễ bị nhiễm trùng và ung thư hơn. Do đó việc sống chung với bệnh nhân viêm gan mang HIV trong người sẽ nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. 
 
Tóm lại, khi sống với bệnh nhân viêm gan, chúng ta cần hiểu rõ chứng bệnh của họ. Vì đây không phải là bệnh nan y và không dễ lây như cảm cúm, nên không cần phải xa lánh hoặc bắt họ ăn uống, nấu nướng riêng biệt. Nếu chưa được miễn nhiễm, nên tiêm ngừa viêm gan B càng sớm càng tốt. Do hiện nay chưa có thuốc tiêm ngừa viêm gan C, nên bằng mọi cách phải tránh tiếp xúc một cách trực tiếp với máu của bệnh nhân. 
 
Một trong những ghi nhớ quan trọng nhất khi hành nghề y là "nếu không chữa được, xin đừng phá thêm", lời khuyên này rất đúng cho những ai đang chăm sóc bệnh nhân viêm gan mãn tính. Bởi nhiều khi vì lòng tốt, chúng ta vô tình sẽ làm hại người thân của mình nhiều hơn là giúp đỡ họ.   
 
BS. ĐÀO HỮU ANH
Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận