Email Bản in

Tiêu chảy cấp

Thời tiết chuyển sang mùa hè, nắng nóng, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh  không đảm bảo, môi trường ô nhiễm... là những điều kiện hết sức thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển trong đó có các mầm bệnh gây ra tình trạng tiêu chảy cấp. Điều đáng lo ngại là trẻ em sẽ có nguy cơ nhiễm các mầm bệnh trên cao hơn người lớn do chúng chưa có ý thức được hoặc chưa làm chủ được hành động của mình.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cũng giống như ở người lớn, trẻ em nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn, đây là loại tiêu chảy gặp khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở các nước kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và tử vong cho trẻ em. Sở dĩ nguyên nhân gây tiêu chảy cấp chủ yếu do nhiễm khuẩn vì điều kiện vệ sinh thấp kém, môi trường ô nhiễm, thiếu nước sạch, ăn ở đông đúc chật chội, thiếu giáo dục và y tế. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân - tay - miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.

Có nhiều loại vi khuẩn gây nên bệnh lý tiêu chảy cấp, tùy theo cơ chế gây bệnh khác nhau mà có các nhóm: nhóm gây tiêu chảy bằng độc tố có tụ cầu vàng, E.coli, phẩy khuẩn tả, E.coli 0517-H7...; nhóm gây tiêu chảy bằng kết dính vào viêm mạc ruột có giun, sán, E.coli, cyclospora...; nhóm gây tiêu chảy bằng cách xâm nhập niêm mạc như amíp, salmonela, rotavirus, shigela...

Biểu hiện lâm sàng như thế nao?

Tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện nhiều lần trong ngày (thường > 3 lần/ngày), phân lỏng nhiều nước (lượng phân >300gam/ngày và lượng nước trong phân >85%)... do ruột bị kích thích và co thắt nhiều hơn đẩy thức ăn và nước ra ngoài kéo theo mất các chất điện giải. Được gọi là tiêu chảy cấp khi tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần, trong trường hợp này phải hết sức chú ý vấn đề mất nước và điện giải.

Biểu hiện lâm sàng ngoài việc tiêu chảy cấp, thường có kèm theo nôn mửa, đau bụng, sốt và các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân. Sau đây là một số nguyên nhân hay gặp nhất ở trẻ em.

Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn

Là bệnh nhiễm khuẩn, do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy quan trọng nhất trên toàn thế giới và ở mọi lứa tuổi.

Ổ chứa vi khuẩn là động vật, thường là ở gia súc và gia cầm như chó con, mèo con, chim, lợn, các động vật gặm nhấm... đều có thể là nguồn lây bệnh cho người. Nguyên nhân các vụ dịch xảy ra phần lớn liên quan đến thức ăn và nhất là thịt da cầm không được nấu chín, sữa không được tiệt khuẩn và nước chưa được lọc sạch.

Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính với các điểm điển hình như đi ngoài phân lỏng, có nhiều máu hoặc không rõ, lẫn với chất nhày, đau bụng, mệt mỏi, sốt, buồn nôn và nôn. Ở các nước phát triển, trẻ dưới 5 tuổi và thiếu niên có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, còn ở các nước đang phát triển, đối tượng chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi; nguyên nhân được giải thích là do trẻ tiếp xúc với các loại động vật nuôi trong nhà. Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, bù nước và điện giải.

Tiêu chảy cấp do salmonela: đây là nguyên nhân hay gặp nhất trong các nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn, bệnh gặp khắp nơi trên thế giới. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Khi nhiễm vi khuẩn, sau 12-36 giờ sẽ xuất hiện các biểu hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau loan tỏa khắp bụng; buồn nôn và nôn nhiều lần, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân thối, nhiều nước, không mót rặn, trong phân có thể có lẫn thức ăn chưa tiêu; sốt cao, co rét run, nhức đầu mệt mỏi, khát nước, môi khô... không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu niệu, vô niệu và tử vong do rối loạn nước và điện giải. Điều trị chủ yếu bổ sung nước và điện giải, hạ sốt, an thần và cân nhắc khi sử dụng kháng sinh.

Tiêu chảy cấp do độc tố của tụ cầu: bệnh cảnh này do ăn phải thức ăn đã nhiễm ngoại độc tố của tụ cầu vàng. Sau khi nhiễm từ 30 phút - 6 giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị nhiều hơn vùng rốn, đau quăn từng cơn; buồn nôn và nôn nhiều lần trước khi đi ngoài, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, có thể rối loạn nước và điện giải dẫn đến trụy tim mạch, dễ gây tử vong ở trẻ nhỏ. Điều trị chủ yếu là bổ sung nước và điện giải, trợ tim mạch.

Bệnh do Rotavirus

Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virus. Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi; thường xuất hiện sau 24-48 giờ, khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, đôi khi dẫn đến rối loạn nước và điện giải rất nhanh. Điều chỉnh chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.

Bệnh do phẩy khuẩn tả

Bệnh lây nhiễm theo đường tiêu hóa, do ăn phải thức ăn, nước uống... bị nhiễm mầm bệnh trong quá trình nuôi trồng, chế biến, bảo quản... hoặc do ruồi nhặng, chuột, gián... làm lây lan mầm bệnh. Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm là phương tiện lây truyền hết sức nguy hiểm, Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt những vùng sau lũ lụt; thường xuất hiện ở các nước và những vùng có trình độ kinh tế xã hội thấp kém, không cung cấp đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt.

Sau khi nhiễm phẩy khuẩn tả, bệnh biểu hiện đột ngột xuất hiện ỉa lỏng dữ dội, phân toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn mùi tanh. Đi ngoài dễ dàng, số lượng nhiều, nhiều lần. Sau khi đi lỏng vài giờ sẽ xuất hiện nôn, nôn dễ dàng, số lượng nhiều, lúc đầu là nước và thức ăn, sau dịch giống như dịch phân; thường không sốt hoặc sốt nhẹ; bệnh nhân mệt lả, khát nước, có khi xuất hiện khó thở, các đầu chi lạnh rúm ró, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong vì shock không phục hồi.

Điều trị và dự phòng

Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt là trẻ em, thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải. Vì vậy, phải cho bé uống bù nước ngay khi biết bé bị tiêu chảy.

Ngay tại nhà, cần bù nước cho trẻ bằng dung dịch oresole hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresole hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu qua 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi bé đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.

Một điểm hết sức quan trọng nữa đó là trong khi bé bị tiêu chảy cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm, cho bé ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu bé còn bú sữa mẹ hoặc bú sữa ngoài thì vẫn tiếp tục duy trì cho bú.

Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa. Tuy nhiên chỉ có bác sĩ mới có quyền chỉ định cho trẻ dùng thuốc gì, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc cho bé tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tiêu chảy cấp nói chung và tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn nói riêng là nguyên nhân gây tử vong quan trọng ở nhiều vùng trên thế giới trong đó có 1 vùng ở Việt Nam, do vậy cần hết sức quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản tốt thức ăn, nước uống trước, trong và sau khi chế biến; ăn chín, uống sôi; tạo lập thói quen rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh; quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường, đặc biệt quản lý chất thải của con người nhất là của những bệnh nhân tiêu chảy cấp. Khi vật nuôi bị ốm vì bất cứ nguyên nhân gì cũng không nên cho trẻ ôm ấp, gần gũi chúng.


BS. Nguyễn Bạch Đằng (Sức khỏe và đời sống - Số 77 - Tháng 5/2010).

Các tin khác

Cần phải có tất cả thông tin.

Người gởi
Người nhận